Khi muốn mua một chiếc smartphone thì thường người mua sẽ quan tâm điều gì nhất. Đối với hàng chính hãng thì chắc chắn giá bán là điều quan trọng nhất, còn với hàng xách tay thì ngoài giá bán nó còn có thêm địa chỉ uy tín và cả chế độ bảo hành. Tuy nhiên, dù là mua theo hình thức nào thì thường khá nhiều người mua còn chưa chú ý đúng mức đến chế độ bảo hành dù nó là một phần rất quan trọng.
Đâu phải lúc nào chúng ta cũng mua được một sản phẩm tốt mà không hề bị lỗi lầm gì, nhất là với các mặt hàng điện tử. Nó luôn có một phần gọi là “may mắn” trong đó. Vì thế, chúng ta phải thật chú ý đến vấn đề này để tránh các phiền toái về sau nếu lỡ điện thoại của bạn có vấn đề gì.
Các chính sách bảo hành luôn khá phức tạp với rất nhiều quy định. Vậy chúng ta phải làm gì để thuận tiện hơn nếu lỡ có đi bảo hành sau này. Sau đây, Asus Zenfone Việt Nam xin chia sẻ với các bạn 3 điều nhất thiết phải biết khi đi bảo hành điện thoại dù là hàng xách tay hay chính hãng.
1. Lưu ý khi mua điện thoại
- Khi mua điện thoại hoặc thiết bị di động, bạn đừng quên yêu cầu nhân viên bán hàng cung cấp đầy đủ giấy tờ/thẻ bảo hành sản phẩm, hoặc với những sản phẩm sử dụng bảo hành điện tử, bạn cần phải được nhân viên thực hiện việc kích hoạt bảo hành.
Nếu sử dụng bảo hành điện tử, sản phẩm phải kích hoạt ngay sau khi mua, nếu không trong trường hợp gặp lỗi hoặc sự cố, bạn cũng không được hãng bảo hành cho dù còn hạn.
- Với sản phẩm sử dụng giấy bảo hành, bạn cần kiểm tra thời hạn bảo hành, đặc biệt là ngày bắt đầu xem có trùng với ngày mua hay không.
- Để đảm bảo không gặp phải những rắc rối do sử dụng sai cách, không đúng quy chuẩn có thể khiến bị từ chối bảo hành, bạn cần đọc kỹ điều khoản sử dụng và điều kiện bảo hành do nhà sản xuất đưa ra.
- Sau khi mua hàng, bạn nên giữ lại các giấy tờ, hóa đơn mua hàng. Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng để đối chiếu làm cơ sở bảo hành nếu gặp những khó khăn khi xác định thời hạn bảo hành.
- Một điều khác cũng quan trọng không kém là bạn nên xem và tìm hiểu địa chỉ các trung tâm bảo hành sản phẩm chính hãng hoặc ủy quyền uy tín và gần mình nhất để thuận tiện sau này khi cần.
2. Lưu ý khi giao máy cho trung tâm bảo hành
- Để điện thoại, thiết bị được bảo hành, khi đi bảo hành bạn đừng quên mang theo các giấy tờ, phiếu bảo hành, giấy mua hàng đi cùng, nếu điện thoại sử dụng thẻ bảo hành điện tử thì không cần đến giấy bảo hành.
- Trước khi mang máy đi bảo hành, bạn nên sao lưu lại dữ liệu trên điện thoại như danh bạ, ảnh, video các ghi chú, tin nhắn…để tránh mất mát dữ liệu trong quá trình bảo hành hoặc do gặp sự cố nào đó.
- Nếu phải để lại máy để bảo hành, bạn nên tháo SIM, thẻ nhớ ra khỏi điện thoại để tránh thất lạc trong quá trình bảo hành thiết bị.
- Trước khi bàn giao máy, bạn cần kiểm tra sơ qua, cũng có thể ghi lại một số đặc điểm và tình trạng bên ngoài của máy như các vết xước, độ khít của nắp đậy, tình trạng các cổng kết nối, phím bấm…và cần thống nhất những vấn đề này với nhân viên tiếp nhận.
- Để tránh tình trạng nhầm lẫn sau này, bạn cũng nên ghi lại số IMEI hoặc mã số của máy để đối chiếu. Nếu điện thoại phải thay bo mạch chủ, IMEI này sẽ phải thay đổi và nơi bảo hành sẽ sử dụng mã số mới trong cơ sở dữ liệu cho thiết bị này.
- Cuối cùng bạn cần kiểm tra và đọc kỹ nội dung trên biên bản bàn giao thiết bị. Nếu thấy những vấn đề chưa rõ ràng hoặc không chính xác bạn cần phản hồi nhanh chóng với nhân viên, tránh gặp những rắc rối sau này. Bạn đừng quên giữ cẩn thận biên bản bàn giao để lấy lại máy.
3. Những điều cần biết khi nhận lại máy sau khi bảo hành
- Để nhận lại máy, bạn cần nhớ đem theo biên bản bàn giao đã được cấp trước đó.
- Khi nhận máy, cần kiểm tra tình trạng bên ngoài so với trước khi bảo hành (tình trạng bỏ ngoài, nắp đâyk, các cổng kết nối và khe cắm..). Nếu có vấn đề gì cần trực tiếp trao đổi với nhân viên bàn giao để giải quyết kịp thời trước khi mang máy về nhà.
- Vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm chính là các lỗi gặp phải trước đó trên điện thoại đã được giải quyết hay chưa? Ngoài ra cũng cần kiểm tra xem có các lỗi khác phát sinh sau quá trình bảo hành không, nếu có bạn nên yêu cầu nhân viên kiểm tra luôn để xử lý, tránh những phiền phức không đáng có.
- Nếu trước đó bạn đã ghi lại số IMEI và các mã số bạn có thể kiểm tra lại xem có đúng với thiết bị được nhận hat không. Như đã nói ở trên, nếu bo mạch chủ của máy bị thay mới các số này sẽ bị thay đổi, khi đó đơn vị bảo hành phải thay đổi giấy ghị thông tin với mã số mới. Nếu không bạn phải yêu cầu họ dán lại giấy dán trên điện thoại có các thông số mới này.
Trên đây là một số lưu ý khi mua và bảo hành điện thoại, thiết bị mà mỗi người chúng ta cần nắm rõ để không gặp phải những trục trặc và rắc rối khi máy gặp vấn đề. Dù vậy, tốt nhất là các bạn nên kiểm tra thật kỹ sản phẩm trước khi mua và chọn những cửa hàng uy tín để không phải mất thời gian sau này. Hy vọng những điều trên sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn.