Và mới đây nhất là chiếc điện thoại “đình đám” Bphone của BKAV. Ở thời điểm hiện tại thật khó để đánh giá đây là sự thành công hay thất bại nhưng nó cũng có những điểm tích cực và tiêu cực mà khá nhiều thương hiệu Việt khác cũng đã gặp phải. Điểm tích cực mà hầu như chúng ta ai cũng thấy đó chính là sự đầu tư cho sản phẩm và sự thành công về cách marketing. Nhược điểm thì vẫn là những điểm cố hữu như chưa hoàn thiện tốt các tính năng phần cứng, các bản cập nhật lâu, giá chưa tốt,…
Vậy điều gì đã làm cho người Việt quay lưng lại với chính thương hiệu Việt? Những sai lầm như thương hiệu, đối tượng nhắm đến, cách tiếp cận và quảng bá thương hiệu, các chế độ hậu mãi cũng như chăm sóc khách hàng.
Trong tư tưởng người Việt, chuyện "sính ngoại" và tin dùng đồ ngoại đã "ăn sâu" vào tiềm thức.
Từ đồ dùng hàng ngày, thời trang, chuyện ăn uống, cách giáo dục... tất cả đều mang quá đậm yếu tố "sính ngoại". Ví dụ, bạn đi ăn ở một cửa hàng đồ nướng phong cách Nhật, 2 suất ăn giá khoảng 650.000 đồng với thịt lợn của người Việt, bếp Việt và đầu bếp Việt... Nếu tổng chi phí đó bạn ăn ở ngoài thì giá khoảng 100.000 đồng cho cùng 2 suất ăn với chất lượng tương tự... Các mặt khác mình cũng không phát biểu dài. Đó là một phần ý thức của con người Việt Nam.
Thương hiệu
Trước tiên cần phải hỏi chính các nhà sáng chế cần gì khi sản xuất ra điện thoại thương hiệu Việt... Nếu là đi nhờ người khác làm rồi mang về đóng dấu thương hiệu mình thì cũng ổn nhưng cái thương hiệu của mình làm ra thì bản thân mình cần chứng minh được cái ưu việt của nó. Khách hàng sẽ không nghe các nhà sản xuất thuyết trình để thuyết phục họ mà họ cần thấy được lợi ích thực sự khi mua sản phẩm. Cần được thấy bằng mắt và cảm nhận bằng sự thật. Để có một hướng đi đúng đắn thì trước hết họ phải định hình lại mục đích tạo ra sản phầm.
Nếu như cần khẳng định thương hiệu thì chú ý, chất lượng sản phẩm mình làm ra phải xứng đáng với đồng tiền thu về và phải sánh ngang với các sản phẩm đồng giá, chứ không thể mang cái mục đích thu lợi nhuận lớn để áp đặt vào sản phẩm. Một người bán khoai 5.000 đồng một kg nhưng một ngày họ bán được 30 kg sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn một ông bán 5,500 đồng một kg nhưng ngày chỉ bán được 10kg.
Phân khúc khách hàng
Với thương hiệu Việt và nguồn khách hàng Việt thì phần đông lượng khách hàng sẽ là phân khúc tầm trung, nên "đánh" mạnh vào những đối tượng này vì với khách hàng cao cấp, đòi hỏi của họ về một sản phẩm chất lượng là rất cao. Họ sẽ cân đối kỹ không chỉ thương hiệu, nguồn gốc, mẫu mã mà còn chất lượng. Với khách tầm trung, sự so sánh, đòi hỏi đã thấp hơn một chút. Nhưng nhà sản xuất vẫn cần chú ý đến chất lượng thực sự và phải tạo ra được sự ưu việt của nó.
Cách quảng bá và bảo vệ thương hiệu
Rút kinh nghiệm vừa rồi của BKAV, cách quảng bá của họ khá tốt và đã tạo ra một cơn sốt cho sự chờ đợi, nhưng sản phẩm của họ lại quá kém so với kỳ vọng của khách hàng. Về mặt này, Việt Nam hơi kém và thực sự kém, từ việc xem các đoạn quảng cáo hàng ngày trên TV đến cách quảng cáo của các trung tâm, siêu thị hay các nhãn hàng của Việt Nam, quá thô và nói quá nhiều, không tạo được sự tò mò tìm hiểu, cũng không tạo ra được sự phấn khích và hứng thú cho người xem. Ví dụ quảng cáo thuốc mà chỉ có vài hình ảnh và MC thì đọc không ngớt mồm về công dụng của nó.
Dịch vụ chăm sóc và cách tiếp cận khách hàng
Điều này cũng cần lưu ý vì hầu hết chúng ta đang coi khách hàng là những con mồi nhiều hơn là thượng đế. Những thương hiệu nước ngoài họ bảo vệ uy tín của mình rất tốt và dịch vụ chăm sóc hậu đãi khá ổn. Còn thương hiệu Việt Nam như đang muốn kiểu qua cầu rút ván, đến chính các thương gia lớn hay nhỏ đều đang thể hiện điều này từ tâm lý đến thực hiện.
Vào một đại lý uỷ quyền của nước ngoài với một đại lý bán thương hiệu Việt thấy ngay cách phân biệt đối xử giữa người đi một đôi dép tổ ong với một đôi giày "xịn". Đó cũng là cách mà người mua thấy ác cảm với thương hiệu Việt, mặc dù là hàng bình dân mà lại phân biệt đối xử với chính đối tượng mình cần "đánh" tới.